6. Tiểu Long Nữ

Các mỹ nhân trong tiểu thuyết của Đại Hiệp Kim Dung  Tieulongnu

Không một ai, kể cả tác giả Kim Dung, hiểu rõ được họ tên cô gái này.
Tác giả chỉ cho ta được biết rằng, ngay từ thủa nhỏ, Tiểu Long Nữ đã
được nuôi nấng, học võ công và trưởng thành trong ngôi cổ mộ của phái Cổ
Mộ sau núi Chung Nam, kế tục sự nghiệp của Lâm Triều Anh để trở thành
một trong những nhân vật nữ chính của Thần Điêu đại hiệp.

Những người sống trong ngôi cổ mộ thường vẫn mang theo một huyền thoại,
một vẻ thần bí ly kỳ: họ sống cũng như chết, rất xa cách với thế giới
bên ngoài. Kim Dung tự giới thiệu Tiểu Long Nữ hay Long cô nương của
mình cũng tương tự như thế:

Chung Nam sơn hậu ----------------------Sau Núi Chung Nam
Hữu hoạt tử nhân --------------------------Có người sống chết


Tiểu Long Nữ là một cô gái trong sáng từ thân xác đến tâm hồn; đối với
cô hoàn toàn không có biên giới giữa sự việc nên làm và không nên làm,
nên tránh và không nên tránh. Đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ
được ghi lại trong Ngọc Nữ tâm kinh, Tiểu Long Nữ trưởng thành hồn nhiên
như một viên ngọc không tỳ vết. Cô trở thành người hàng xóm vừa dịu
dàng vừa khó chịu của phái Toàn Chân (cũng ở núi Chung Nam). Cô thương
yêu một người đồ đệ kém mình bốn tuổi và trọn đời chỉ có mối tình ấy,
không có một mối tình, một hình bóng nào khác.

Đối với xã hội phong kiến Trung Hoa, mối tình ấy là cả một sự thách
thức, thậm chí là sự phỉ báng các nguyên tắc của đạo đức luân lý. Mọi
người đều cho phép mình khinh bỉ, lên án cặp thầy trò Tiểu Long Nữ -
Dương Qua, kể cả Quách Tĩnh và Hoàng Dung là hai người chịu ơn cặp thầy
trò này. Người ta lấy cái đạo đức luân lý cứng nhắc ngàn năm để đo một
mối tính trong sáng của đôi trai gái trong sáng, cho rằng mối tình đó đã
xâm phạm nền đạo đức Trung Hoa, tư duy đạo đức Trung Hoa. Người ta đã
làm mọi chuyện, kể cả vu cáo và bôi nhọ, cho lứa đôi phải xa nhau, phải
rời bỏ nhau.

Kim Dung, trong Thần điêu hiệp lữ, đã nhấn thêm một bước nữa: ông cho cô
gái trong trắng như ngọc của mình thất trinh. Tiểu Long Nữ bị Âu Dương
Phong điểm huyệt và gã đồ đệ phái Toàn Chân tình cờ đi ngang qua đó, đã
bế cô đưa vào bụi rậm... Chỉ tội nghiệp cho Tiểu Long Nữ: cô cứ nghĩ
người đó là Dương Qua, trong sự bẽ bàng đau đớn còn có niềm hạnh phúc
được dâng hiến. Cũng tội nghiệp cho Dương Qua: anh phải chịu một cái án
oan, một vụ án tình dục mà anh không phải là thủ phạm. Cho đến khi Tiểu
Long Nữ biết được rằng kẻ phá hoại đời mình là Doãn Chí Bình, rằng Dương
Qua đồ đệ của mình vẫn trước sau là một người trong sáng, thì cô thật
sự tuyệt vọng. Cô lẳng lặng từ bỏ mối tính lớn trong đời, ra đi ...
Dương Qua cũng từ bỏ tất cả ra đi để tìm sư phụ. Cuộc rượt đuổi đi tìm
hạnh phúc, tình yêu đó thật não nùng. Luân lý, đạo đức Trung Hoa đã
không cấm cản được trái tim họ, tình yêu của họ. Chỉ có niềm đau khổ của
tuổi đầu đời đã chia sẻ họ.

Tiểu Long Nữ chuyên mặc một màu áo trắng, ăn nói đơn giản, cốt cách như
thần tiên. Cô gái ấy say mê học trò, vi phạm đạo đức, lại bị cưỡng hiếp,
không còn là người trinh bạch nữa. Thế nhưng dưới mắt bạn đọc Thần Điêu
Hiệp Lữ, Tiểu Long Nữ vẫn là một con rồng nhỏ, trong sáng như gương,
dịu dàng như ngọc. Tôi bầu cô làm đại mỹ nhân thứ sáu và vẫn mạnh dạn
coi cô là con người trinh bạch. Đúng ra cô trinh bạch rất nhiều so với
hàng triệu con người trinh bạch (hoặc tự coi mình là trinh bạch) hiện
nay.

---------- Bài viết đã được nhập tự động bởi hệ thống ----------

7. Song Nhi

Các mỹ nhân trong tiểu thuyết của Đại Hiệp Kim Dung  Songnhi

Song Nhi chỉ là con hầu của người vợ thứ ba của Trang Kiến Long, một nhà
nho Trung Hoa đã có công tụ họp người trí thức triều Khang Hy soạn bộ
Minh thư tập lược, bị Ngao Bái nhà Thanh giết. Song Nhi người gốc Hàng
Châu, ngay từ thơ ấu, đã chịu chung cái số phận đau thương của bà chủ
mình: bị đày lên khu vực ngoại thành Bắc Kinh. Trong Lộc Đỉnh Ký, Kim
Dung để cho Vi Tiểu Bảo 16 tuổi, gặp Song Nhi và nhận cô làm người hầu
lúc cô 14 tuổi. quan hệ giữa hai người vừa là chủ tớ, vừa là bạn bè.
Song Nhi mở miệng ra gọi luôn Vi Tiểu Bảo là "tướng công"; Vi Tiểu Bảo
mở miệng ra gọi Song Nhi luôn luôn là "Hảo Song Nhi".

Cô gái nhỏ này võ công cao cường, nhân phẩm đoan chính, có học vấn và có
tấm lòng trung thành vô hạn đối với chủ, nên xin đề nghị xếp cô vào
hàng đại mỹ nhân thứ bảy dù nhan sắc hãy còn thua xa Phương Di, người mà
Vi Tiểu Bảo nhận làm vợ lớn.

Gần như Song Nhi là cái bóng của Vi Tiểu Bảo. Vi Tiểu Bảo đi đến đâu, cô
đi theo anh chàng này đến đó, phục vụ cơm nước, áo quần, bàn chuyện
tính mưu định kế. Cô đã đánh cho bọn Lạt Ma Tây Tạng chổng càng chổng
gọng để cứu Vi Tiểu Bảo, cùng Vi Tiểu Bảo tham gia cứu mạng Thuận Trị
hoàng đế, ra trận đánh bọn Hỏa thương thủ và các tay hảo thủ khác của
quân Sa Hoàng nước Nga, cô hóa trang khi làm sư, khi làm ngự lâm quân
Thanh triều để bảo vệ Vi Tiểu Bảo. Gần như Song Nhi không biết sợ một
ai, kể cả danh thủ kiếm pháp Phùng Tích Phạm của đảo Đài Loan. Hắn có
ngoại hiệu Nhất kiếm vô huyết, ấy vậy mà khi hắn muốn giết Vi Tiểu Bảo;
Song Nhi đứng ra liều mình cứu chủ; mũi kiếm của hắn không giết nổi Song
Nhi, chỉ làm cô bị thương, chảy máu chút đỉnh. Từ chiến công của Song
Nhi, bọn giang hồ gọi giễu Phùng Tích Phạm là Bán kiếm hữu huyết (nửa
chiêu kiếm đã có máu đỏ ra rồi).

Song Nhi đi theo Vi Tiểu Bảo ăn tuyết nằm sương nhưng không bán mình cho
họ Vi. Cô bỏ công ra cả tháng, thức đêm để khâu lại những mảnh nhỏ lấy
được trong tám bộ Tứ Thập nhị chương kinh thành một bản đồ lớn mô tả kho
báu ở Lộc Đỉnh Sơn mà không hé miệng than thở một lời. Vi Tiểu Bảo hay
cợt nhã, luôn miệng nói với cô câu: "Đại công cáo thành, phải hôn một
cái" nhưng thực sự hắn chưa bao giờ ôm hôn được cô, vì cô cũng chẳng bao
giờ dễ dãi để hắn ôm hôn. Ngay đến khi cô ngủ gục vì mệt mỏi, Vi Tiểu
Bảo bồng cô vào giường cũng chẳng giám hé môi hôn cô một cái, vì hắn
biết làm như vậy là tiết mạn phẩm giá con hầu của mình. Trong khi đó,
với Kiến Ninh công chúa, em vua Khang Hy; với A Kha, con gái của Trần
Viên Viên; với Phương Di, tiểu thư của một dòng tộc danh gía ở Vân Nam;
với công chúa Sophia của nước Nga, Vi Tiểu Bảo muốn hôn là hôn, muốn làm
gì là làm đó.

Điều gì đã khiến nhà văn Kim Dung tôn trọng nhân phẩm của một con hầu,
nâng cô lên trên cả hai vị công chúa, hai vị tiểu thư thiên kim? Đó
chính là cái nhìn của ông về bản chất của cái gọi là tầng lớp quý tộc
trong chế độ quân chủ Trung Hoa. Những huyền thoại cao quí về tầng lớp
đó đã băng hoại, còn lại những sự thật phũ phàng: Kiến Ninh công chúa
chỉ mong được ngủ với Vi Tiểu Bảo; Phương Di danh giá lại có những hành
động lừa dối; A Kha cao quí ngu muội đi theo hào quang của gã bạch vệ
Trịnh Khắc Sảng, trở thành cô gái bất trinh; thậm chí hiền lành ngây thơ
như Mộc Kiếm Bình, tiểu thư của Mộc vương phủ Vân Nam, cũng bị tác giả
cho vẽ lên má một con rùa. Qua nhân vật Song Nhi, tôi thấy tác giả Kim
Dung có một tình cảm sâu nặng đối với những người bình dân Trung Quốc,
đặc biệt là đối với những phụ nữ suốt đời chỉ biết làm con hầu, kẻ ở. Vi
Tiểu Bảo có thể mở miệng chửi tất cả những phụ nữ cao quí là con điếm,
con đượi non, mụ điếm già nhưng không bao giờ trong lòng hắn dám gợi lên
một tư tưởng bất kính với con hầu Song Nhi.

Song Nhi trở thành một trong bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo nhưng cô vẫn
giữ được phẩm giá chân chính của một người phụ nữ: không hề cạnh tranh,
so bì, tỵ nạnh. Các đứa con khác của Tiểu Bảo do Tô Thuyên, A Kha, Kiến
Ninh công chúa sinh ra đều được cô nuôi nấng, chăm sóc dịu dàng như con
của chính mình. Thậm chí, cô cảm thấy hạnh phúc khi có một đức trẻ được
đặt tên là Song Song bởi vì trong cái tên này, có chữ Song trong tên của
cô. Chính từ cái đẹp nội tâm trong cô gái bé nhỏ này, tôi mạnh dạn bầu
cô làm đệ thất đại mỹ nhân mà tôi mạo muội bình chọn.

---------- Bài viết đã được nhập tự động bởi hệ thống ----------

8.Vương Ngọc Yến (Vương Ngữ Yên)

Các mỹ nhân trong tiểu thuyết của Đại Hiệp Kim Dung  Vuongnguyen

Là một cô gái đẹp tuyệt trần, nhân vật mà Kim Dung thường gọi là "thần
tiên tỷ tỷ", hình ảnh hóa thân của pho tượng ngọc dưới đáy Cung Kiếm hồ ở
Vô Lượng Sơn mà Đoàn Dự đã từng gặp. Vương Ngọc Yến là con gái ngoại
hôn của Đoàn Chính Thuần, người nước Đại Lý, với Vương phu nhân, thuộc
họ Mộ Dung, người Tiên Ty.

Vương Ngọc Yến là cô gái thông minh, đọc thuộc làu những quyển kinh võ
học trong thiên hạ, đến nỗi ai đánh một chiêu một thức cô đều gọi đúng
tên chiêu thức đó, đồng thời biết luôn cả cách phá giải. Cô trở thành
quyển từ điển sống võ học, và do cô không hề biết võ công, nên nhiều thế
lực thèm khát bắt cóc được cô để làm lực với họ Mộ Dung, và để cô dạy
cho mình những đòn thế võ công thất truyền.

Một đời Vương Ngọc Yến chỉ biết say mê Mộ Dung Phục, người anh em cô cậu
của mình (người Trung Hoa cho phép anh chị em con cô con cậu, anh chị
em bạn dì lấy nhau). Thế nhưng Mộ Dung Phục là một gã huênh hoang, khoác
lác, hắn chỉ say sưa giấc mộng phục hồi nước Đại Yên, sẵn sàng đạp đổ
tất cả tình yêu, tình bạn bè, tôn kẻ thù làm cha, miễn là có thể lợi
dụng được những hoàn cảnh để phục hưng Đại Yên. Ngược lại với Mộ Dung
Phục, Đoàn Dự nước Đại Lý sẵn sàng đánh đổi tất cả các thứ trên đời, kể
cả ngôi vị hoàng đế Đại Lý, để được kề cận bên Vương Ngọc Yến. Tình yêu
xảy ra giữa ba nhân vật này là một quá trình rượt đuổi buồn cười.

Khi Mộ Dung Phục sang nước Tây Hạ để dự lễ tuyển phu của Văn Nghi công
chúa nước này, Vương Ngọc Yến chỉ sợ võ công của biểu ca mình cao cường,
có thể làm rể Tây Hạ và phụ rẫy mối tình của mình. Cô đã nhờ Đoàn Dự ra
tay viện trợ: dùng Lục Mạch Thần Kiếm danh tiếng của họ Đoàn đánh thắng
Mộ Dung Phục, phá vỡ âm mưu làm rể Tây Hạ của Mộ Dung Phục. Nhưng rồi
Mộ Dung Phục đánh cho Đoàn Dự lọt xuống đáy giếng và nói rõ tham vọng
của mình cho Vương Ngọc Yến nghe rằng hắn chưa bao giờ thương yêu Vương
Ngọc Yến cả. Cô gái tuyệt vọng, gieo mình xuống đáy giếng sâu. Và lạ
thay, ở trên mặt đất thơm tho, dưới ánh sáng chói chang của mặt trời bao
nhiêu năm mà Vương Ngọc Yến không nhìn ra tấm chân tình của chàng Đoàn
Dự, thì chỉ trong chốc lát dưới đáy giếng sâu hôi hám tối tăm, Vương
Ngọc Yến đã chấp nhận mối tình ấy. Và họ nguyện sống đời lứa đôi bên
nhau.

Nhưng ta đã biết, Đoàn Chính Thuần là cha của Đoàn Dự. Lẽ nào ông anh
Đoàn Dự có thể cưới hỏi cô em cùng cha khác mẹ là Vương Ngọc Yến ? Cái
mâu thuẫn ấy đã được đẩy lên đỉnh điểm của Thiên Long Bát Bộ khi độc giả
kinh hoàng nhận ra mối quan hệ huyết thống giữa hai nhân vật trai gái
trung tâm này. Ta có thể tưởng tượng ra cái thảm kịch để giúp họ hóa
giải mối tình loạn luân, cũng như Romeo và Juliette trong bi kịch của
Shakespeare tìm cái chểt để họ chuộc lỗi với đời và để cho đôi lứa có
thể chia lìa nhau vĩnh viễn. Nhưng Kim Dung đã có một lối giải quyết khá
thần kỳ, xứng đáng là bậc thầy trong nghệ thuật hư cấu tiểu thuyết: ông
lật ngược lại dĩ vãng của Đoàn Chính Thuần và Đao Bạch Phượng, người
nước Bãi Di, giận Đoàn Chính Thuần say mê nhan sắc của người phụ nữ
khác. Bà đã làm hành động cực kỳ thương luân bại lý: đem tấm thân cao
quý của mình hiến dâng cho một gã ăn mày hôi hám, trôi sông dạt chợ. Gã
ăn mày đó chính là Đoàn Diên Khánh, người trong hoàng tộc nước Đại Lý,
kẻ xứng đáng lên ngôi vua Đại Lý nhất nhưng không được lên ngôi. Đoàn Dự
chính là con của Đao Bạch Phượng và Đoàn Diên Khánh; Đoàn Chính Thuần
chỉ là ông cha hờ. Mà trong qui định hôn nhân của nước Đại Lý, anh em
cùng tông tộc có thể cưới hỏi lẫn nhau (chính nhà Trần ở Việt Nam cũng
áp dụng qui định này để ngai vàng khó lọt vào tay kẻ khác)

Cho nên Đoàn Dự vẫn có quyền cưới hỏi và ăn ở với Vương Ngọc Yến, và
chẳng riêng gì Vương Ngọc Yến, cả đến Mộc Uyển Thanh (con gái Tần Hồng
Miên), Chung Linh (con gái Cam Bảo Bảo) đều là con ngoại hôn của Đoàn
Chính Thuần; Đoàn Dự say mê ai có quyền cưới người ấy. Câu chuyện của
Đoàn Dự có đến năm người biết : mẹ Đoàn Dự, Đoàn Dự, Đoàn Diên Khánh,
Đoàn Chính Minh (vua nước Đại Lý) và ... chúng ta, những người đọc Kim
Dung. Đoàn Dự lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý; Vương Ngọc Yến trở thành
chánh cung hoàng hậu.