Năm
học lớp bốn, sau một đợt ốm súyt chết, bỗng dưng tôi bị chứng thèm ăn
hành hạ. Thật kỳ quặc, mới vừa ăn xong bữa cơm, non tiếng đồng hồ sau,
tôi đã thấy đói ngấu. Bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng đều trở nên hấp
dẫn và tôi cố kiếm cách ăn cho bằng được.
Khi tôi quay trở lại trường học, mùa lạnh đến. Buổi sáng, bố chở tôi
bằng xe đạp đến trường. Tôi ngồi co ro sau lưng bố. Còn sau lưng tôi,
chễm chệ cái cặp đeo cũ kỹ nhưng căng phồng. Trong đó bố đã chuẩn bị sẵn
cho tôi nào là bỏng ngô ngào mật, khoai tây luộc. Hôm nào sang hơn, có
bánh mì sấy khô rắc đường và ít thịt ruốc gói trong bao ni-lông. Bố thưa
chuyện với cô giáo về tình trạng sức khoẻ của tôi. Cứ hết một tiết học,
cô lại cho phép tôi ôm bọc thức ăn chạy ra ngoài một tí. Tôi ngồi sau
gốc cây giữa sân trường, ngốn ngấu củ khoai hay mẩu bánh, ăn vội vã đến
nỗi nước mắt trào ra. Thế nhưng dù ních nhiều bao nhiêu, tôi vẫn gầy
nhom, cẳng tay cẳng chân khẳng khiu, chỉ có cái bụng tròn ủng kênh lên
dưới khuy áo. Mẹ đan cho tôi cái áo len chui cổ, có túi phía trước như
con căng-gu-ru. Cái áo phồng to vừa che khuất cái bụng tròn xoe xấu xí
của tôi, vừa là nơi tôi dự trữ vô số thực phẩm ngon lành, quý giá.
Một
hôm, gần cuối giờ học, tôi lại bị đói bụng. Tôi quờ tay vào hộc bàn.
Thật không thể tin nổi, gói giấy ban sáng bố chuẩn bị cho tôi cái ngô
nếp đã biến mất. Tôi mếu máo, nhỏm lên mách cô: "Ngô của em mất rồi!".
Cô nghiêm giọng, lo lắng nhìn quanh: "Ai lấy thức ăn của bạn Hân, đứng
lên ngay!" Cả lớp im lìm. Vừa đói, vừa dỗi, tôi từ từ thỉu đi, gục mặt
xuống. Đúng lúc ấy, thằng Vũ ngồi cuối lớp run run đứng lên, chìa ra cái
cùi ngô gặm trụi, nói khẽ: "Em ăn rồi, cô!" Tôi đập đầu xuống bàn, gào
lên thảm thiết: "Không biết đâu. Đền đi. Đói quá!" và làm điệu bộ như
chết tới nơi. Cả lớp nhốn nháo. Các bạn vội vã rũ cặp, ai có bánh kẹo
gom lại, chuyển cho tôi. Tôi gạt tay, tất cả rơi tung toé. Vũ chạy đến
đứng cạnh bàn tôi, khóc oà lên: "Hân tha lỗi cho tớ. Tớ ăn trộm ngô của
bạn vì đói quá. Từ sáng, tớ chưa có gì vào bụng cả!" Cả lớp lặng đi. Cô
giáo thu dọn đống hỗn độn. Tôi ngồi im. Bỗng dưng, từ vị trí "nạn
nhân", tôi lại giống hệt kẻ có lỗi.
Những năm đó, bố mẹ tôi làm
việc rất vất vả nhưng tiền bạc kiếm được không nhiều. Sau đợt ốm của
tôi, cả nhà chỉ còn một cái xe đạp. Đến cơ quan, mẹ tôi phải đi bộ. Mỗi
bữa ăn, bao nhiêu thức ngon bổ bố mẹ đều gắp sang bát tôi hết. Hai người
chỉ lùa cơm qua quýt với nước chấm hay nước luộc rau. Có lần, trong mâm
có con cá rán nhỏ, bố gắp cả cho tôi. Có lẽ vì cá ngon quá, tôi ăn hết
ngay. ăn hết rồi lại quên. Lát sau, tôi kêu lên: "ôi bố ơi, con cá của
con đâu rồi?" Bố còn đang ngơ ngác thì tôi đã đổ thừa: "Huhu không chịu
đâu. Bố gắp trộm mất của con rồi!" Mẹ xách tay tôi dậy, phát cho mấy
phát vào lưng. Tôi ngoác miệng gào lên thảm thiết. Bố chen vào can, ôm
tôi vào lòng: "Thôi thôi, đừng đánh con. Nó mới ốm dậy. ăn trả bữa được
là mừng mới phải!". Mẹ chẳng bị đánh đòn, chẳng bị ăn mất cá, cũng chẳng
bị đổ vấy, thế mà chỉ mình mẹ khóc, nước mắt ứa ràn rụa. Thỉnh thoảng,
bố mẹ tôi được mời đi ăn đám tiệc. Bố muốn dắt tôi đi để được ăn ngon,
nhưng mẹ nhất định bắt tôi ở nhà. "Không được để người ta coi thường nhà
mình, cười cợt con mình vì miếng ăn!"- Mẹ nói.
Bố xin làm bảo vệ
buổi tối để có thêm ít tiền. Mối bận tâm duy nhất của mẹ là làm sao
trong túi áo căng-gu-ru luôn có thức ăn. Thỉnh thoảng, trước giờ học, cô
giáo dúi vội vào túi áo len tôi chiếc bánh bao. Bánh kẹo của các bạn
cũng được nhét đầy vào đó, thật hào phóng. Cứ đến giờ chơi, hộc bàn tôi
lại có mẩu sắn hay nắm lạc luộc, quà của thằng Vũ. Cho đến một ngày kia,
cô giáo tìm gặp bố để trao đổi quanh chứng thèm ăn kỳ quặc của tôi. Bố
đưa tôi đi bác sĩ. Tôi phải uống thuốc, nói chuyện với bác sĩ chữa trị
trục trặc tâm lý. Ngoài ra, tôi còn phải ăn uống theo một chế độ đặc
biệt. Sau hơn ba tháng, tôi trở lại ăn uống bình thường.
Khi tôi
lớn lên, bố mẹ không bao giờ nhắc lại kỷ niệm kỳ quặc thời thơ ấu ấy của
tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ đến nó, mỗi khi nhìn chiếc áo len nhỏ xíu có túi
căng-gu-ru cất dưới đáy rương. Tình thương của bố mẹ, cô giáo, bạn bè
dành cho ta bao giờ cũng lớn lao hơn ta hình dung rất nhiều. Nhờ thế, nó
sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn có thể xảy ra trong đời, dù lạ lùng
nhất. Như nó đã từng giúp tôi vượt qua chứng bệnh thèm ăn xấu xí và buồn
cười.